Giỏ hàng của bạn

Giao tiếp bất bạo động

Tác giả : Khác
| |
105,000₫

Ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của tôi, đó là cuốn sách Nonviolent Communication: A Language of Life (tạm dịch: Giao tiếp bất bạo động – Ngôn ngữ của cuộc sống) của tiến sĩ Marshall Rosenberg.

Hotline hỗ trợ 24/7: 0931 468 098
|


Phương pháp Giao tiếp bất bạo động (Nonviolent Communication, viết tắt là NVC) được tiến sĩ Marshall Rosenberg phát triển dựa trên niềm cảm hứng đến từ tinh thần đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi và Martin Luther King; vì vậy trước hết hãy để tôi chia sẻ với bạn tinh thần này là như thế nào. Nếu bạn đã xem bộ phim Cuộc đời Gandhi (1982), bạn sẽ nhớ ở đầu bộ phim, Gandhi (do diễn viên Ben Kingsley thủ vai), khi đó vẫn là một luật sư trẻ, cùng Charles Andrews (Ian Charleson thủ vai), linh mục tại một nhà thờ Anh quốc, tản bộ trên đường phố Johannesburg. Đoạn, từ đằng xa, có ba thanh niên cười nhạo bề ngoài Gandhi, tỏ vẻ hung hãn, như cấm cản hai người họ bước lên vỉa hè “của chúng”. Charles ngần ngại, tính né đi đường khác, nhưng Gandhi cản, tiếp tục bước tới và nói: “Chẳng phải Kinh Tân Ước nói rằng, nếu ai đó đánh vào má phải của anh em, hãy mời họ đánh luôn vào má trái. Tôi nghĩ rằng Người muốn anh phải thể hiện lòng dũng cảm, sẵn sàng nhận một cú đánh, nhiều cú đánh, để chứng tỏ rằng anh sẽ không đánh trả lại, cũng như anh sẽ không né qua một bên. Và khi anh làm vậy, nó sẽ đánh thức một điều gì đó thuộc về nhân tính – một điều gì đó khiến cho lòng hận thù giảm xuống, và sự tôn trọng của người đó dành cho anh tăng lên.” Tương tự, tại Mỹ, vào những năm 1950, khi chính phủ chưa thông qua đạo luật cho phép người da đen đi bầu, Martin Luther King cũng đã áp dụng tinh thần này. Một mặt, ông không chấp nhận, không tuân theo, nhưng mặt khác, ông không cho phép những người đi theo mình đánh trả. Một lần ông nói: “Ai có vũ khí, xin hãy đem về; ai không có, xin đừng tìm kiếm. Chúng ta không thể giải quyết việc này bằng bạo động trả đũa. Chúng ta phải yêu thương những người anh em da trắng bất kể họ đã làm gì chúng ta. Chúng ta phải hành động để họ biết rằng chúng ta yêu họ. Chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp trả lòng thù hận.” [1]

Không đánh trả lại, nhưng cũng không tuân phục, và lấy tình yêu thương làm nền tảng, đó cũng chính xác là tinh thần của NVC. Theo đó, thay vì đánh giá, phán xét…người kia (chẳng hạn để đòi bằng được cái mình muốn), hay tuân theo (tuân hoàn toàn theo điều người kia muốn, chịu thiệt cho quyền lợi của mình hay thỏa hiệp), trong NVC, người giao tiếp thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình, đồng thời lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của người kia, để từ đó tìm ra “giải pháp thứ ba” thỏa mãn nhu cầu cả hai bên. Nếu bạn đã đọc quyển sách Bảy Thói Quen Hiệu Quả của tác giả Stephen R Covey, bạn sẽ thấy thói quen thứ 4 - “Tư duy cùng thắng” và thói quen thứ 5 - “Thấu hiểu rồi được hiểu” được thể hiện rất mạnh mẽ trong NVC.

Về cơ bản, NVC bao gồm hai phần và bốn yếu tố. Yếu tố đầu tiên, chúng ta nói lên quan sát khách quan từ mình - điều gì đang thực sự xảy ra trong một tình huống nào đó: người kia đang nói hoặc làm gì mà làm giàu hoặc tổn hại đến cuộc sống của chúng ta? Điều quan trọng ở đây là làm rõ sự quan sát mà không có sự có mặt của bất kỳ lời phán xét nào – chỉ đơn giản nói về điều mà người kia đang làm mà chúng ta thích hoặc không. Kế đó, chúng ta nói về cảm xúc của chúng ta khi quan sát hành động đó: chúng ta tổn thương, hay khó chịu, bực mình? Thứ ba, chúng ta nói về nhu cầu nào của mình kết nối với cảm xúc mà chúng ta đã xác định. Và cuối cùng, chúng ta nêu ra một đề xuất cụ thể - một điều cụ thể mà chúng ta muốn người kia thực hiện liên quan đến tình huống này để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp hơn. Ý thức về bốn yếu tố này cho phép chúng ta thể hiện bản thân mình một cách rõ ràng và chân thành.

Phần thứ nhất của NVC là chúng ta nói ra (cho đi) chân thành 4 yếu tố đó cho người kia, và phần còn lại là lắng nghe (đón nhận) thấu cảm 4 yếu tố đó từ họ. Chúng ta kết nối với họ bằng cách cảm nhận điều họ đang quan sát, cảm nhận và nhu cầu của họ là gì, và sau đó tìm ra đề xuất của họ, điều gì họ muốn chúng ta làm để có thể giúp cuộc sống họ tươi đẹp hơn. Với cách lắng nghe này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nghe thấy những phán xét, chỉ trích...từ người kia nữa, mà tất cả những gì chúng ta nghe thấy chỉ là những cảm xúc và nhu cầu. Chẳng hạn, một người vợ lớn tiếng nói với chồng: “Anh chẳng bao giờ lắng nghe tôi!”. Trong tình huống đó, một người chồng không biết về NVC sẽ nghe thấy một lời phán xét, do đó ngay lập tức phòng thủ: “Cái gì, tôi có nghe cô nhé!”. Ngược lại, một người chồng nói NVC sẽ trả lời: “Có phải em đang giận dữ (cảm xúc) vì em muốn có sự kết nối nhiều hơn khi chúng ta nói chuyện (nhu cầu)?” Nếu bạn là người vợ, bạn sẽ cảm thấy như thế nào với mỗi cách đáp trả như trên?

NVC không chỉ đơn thuần là một kỹ thuật hay phương pháp giao tiếp. Nó vượt xa so với một kỹ thuật hay phương pháp. Nó là một cách tư duy, một cách sống, được dựa trên những nguyên lý, quy luật bất biến của tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự hợp tác, sự cho và nhận đến từ trái tim. Đây là một phương pháp giao tiếp rất mạnh mẽ mà tôi cho rằng nó có thể giúp kiến tạo nên nền hòa bình trên thế giới. Ảnh hưởng của NVC rất rộng, có thể được áp dụng hiệu quả ở mọi mức độ giao tiếp, trong nhiều hoàn cảnh đa dạng, như trong mối quan hệ với chính mình, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, trong trường học, tổ chức, trong tâm lý, tư vấn, trong giải quyết mâu thuẫn, xung đột…

Tóm lại, như Stephen R Covey viết trong Bảy Thói Quen Hiệu Quả, “giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống”, nhưng “chỉ một số ít người được đào tạo cách lắng nghe hiệu quả”. NVC là một quá trình có thể giúp bạn học cách giao tiếp và lắng nghe rất hiệu quả, từ đó giúp cải thiện mọi mối quan hệ trong cuộc sống của bạn, và giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn (CEO của Microsoft, Satya Nadella, đã chọn quyển sách NVC mà tôi đang giới thiệu vào danh sách 7 cuốn sách có thể giúp bạn dẫn dắt đội nhóm hiệu quả hơn) [2]. Vì vậy, tôi rất mong bạn có thể tìm đọc quyển sách tuyệt vời này.